Tài chính tiêu dùng: Bài học cho Việt Nam từ các quốc gia khác

by Trần Thanh Hà
44 views
Tài chính tiêu dùng: Bài học cho Việt Nam từ các quốc gia khác
(1 bình chọn)

Tài chính tiêu dùng đang ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Việc phát triển tài chính tiêu dùng không chỉ giúp thúc đẩy tiêu dùng cá nhân mà còn góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Trong buổi Hội thảo với nội dung về “Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế,” TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã trình bày về sự cần thiết và lợi ích của việc phát triển của lĩnh vực này, cùng với những kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam. 

Tài chính tiêu dùng: Bài học cho Việt Nam từ các quốc gia khác

Tài chính tiêu dùng: Bài học cho Việt Nam từ các quốc gia khác

Khái niệm tín dụng tiêu dùng và tài chính tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng (consumer credit) là khái niệm bao trùm cả tài chính tiêu dùng, bao gồm các khoản vay nhằm mục đích hỗ trợ chi tiêu cá nhân. Các khoản tín dụng này thường được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, và các công ty fintech. Nhờ đó, tín dụng tiêu dùng đóng góp tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng, là một giải pháp rất linh hoạt và tiện lợi cho người dùng.

Tài chính tiêu dùng

Tài chính tiêu dùng (consumer finance) bao gồm các khoản tín dụng tiêu dùng được cung cấp chủ yếu bởi các công ty tài chính. Quy mô của tài chính tiêu dùng thường nhỏ hơn so với tín dụng tiêu dùng do các công ty tài chính thường nhắm đến các khoản vay nhỏ và trung hạn. 

Tài chính tiêu dùng

Tài chính tiêu dùng

Vai trò của tài chính tiêu dùng

Tài chính tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Nó gắn chặt với tổng cầu của nền kinh tế và là động lực quan trọng cho tăng trưởng sản xuất, tiêu dùng và tạo công ăn việc làm. Nghiên cứu của Luckman (2015) đã chứng minh mối quan hệ thuận chiều giữa cho vay tiêu dùng và tăng trưởng thu nhập tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc và Nhật Bản.

Lĩnh vực này tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng cá nhân, từ mua bất động sản (căn hộ, nhà ở, đất thổ cư) đến mua sắm hàng hóa tiêu dùng (xe cộ, hàng điện tử, hàng gia dụng), chi trả cho các chi phí sinh hoạt (thực phẩm, dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch, vận chuyển), y tế (chi phí khám chữa bệnh), giáo dục (học phí, du học) và thậm chí cả những khoản chi phí như ma chay, cưới hỏi.

Phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế

Phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế

Tại khu vực châu Á, lĩnh vực này đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc, giúp các nền kinh tế này phát triển nhanh chóng thông qua việc kích cầu tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường tài chính và tăng khả năng tiếp cận tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt phải kể đến các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Sự phát triển của lĩnh vực này mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế. Nó thúc đẩy tiêu dùng của người dân, tạo cầu hàng hóa và dịch vụ, từ đó phát triển sản xuất và tạo ra công ăn việc làm. Đồng thời, nó cũng cải thiện đời sống của người dân bằng cách tăng khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế và du lịch, hạn chế tiếp cận tín dụng đen.

Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được quản lý và kiểm soát phù hợp. Dù tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, nhưng sự tiếp cận của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do tâm lý e ngại thủ tục và thói quen chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân chưa tốt. Việc thúc đẩy sự an toàn và hiệu quả trong lĩnh vực này là cần thiết để phát triển bền vững nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Kinh nghiệm về phát triển tài chính tiêu dùng từ một số quốc gia trên thế giới

Mỹ: Hệ thống phát triển lâu đời và hiện đại

Tại Mỹ, tài chính tiêu dùng đã bắt đầu phát triển từ những năm 1800 và hiện nay đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia này. Gần như 100% cá nhân và hộ gia đình tại Mỹ đều sử dụng một trong các hình thức này như thẻ tín dụng, vay mua nhà, mua xe ô tô hoặc vay học phí. Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (U.S. Federal Trade Commission), tài chính tiêu dùng là một yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực này đã trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế khi người dân tăng cường sử dụng các khoản tín dụng để đáp ứng nhu cầu cấp bách và tận dụng các chính sách thúc đẩy kinh tế. Sự bùng nổ của thương mại điện tử từ năm 2020 đã làm cho thẻ tín dụng điện tử trở nên phổ biến hơn. Ví dụ, Apple Pay phát hành thẻ tín dụng điện tử từ cuối năm 2019 và chỉ sau 6 tháng đã có khoảng 2,2% tổng số người dùng thẻ tín dụng tại Hoa Kỳ sử dụng; trong đó, 60% người dùng đã sử dụng thẻ này làm thẻ tín dụng chính của họ.

Ngoài ra, các tùy chọn “mua trước, trả sau” (BNPL) đã được phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Dịch vụ BNPL được cung cấp bởi các công ty Fintech cho phép khách hàng trả chậm không lãi suất, với các kỳ hạn từ 3-36 tháng. Theo nghiên cứu của McKinsey năm 2021, 30% người trả lời khảo sát cho biết đã sử dụng BNPL, tăng hơn 3% so với năm 2020 và dự kiến đến năm 2025, doanh số BNPL toàn cầu sẽ chiếm khoảng 10% tổng doanh số giao dịch thương mại điện tử.

Tỷ lệ người dùng BNPL tại Mỹ năm 2020 - 2021

Tỷ lệ người dùng BNPL tại Mỹ năm 2020 – 2021

Trung Quốc: Sự bùng nổ của thị trường từ năm 2014 

Tại Trung Quốc, thị trường này bắt đầu bùng nổ từ năm 2014 và tính đến cuối năm 2019, quy mô thị trường đã tăng gấp đôi so với năm 2015, đạt 1,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 27,4%. Theo dự báo của McKinsey, đến cuối năm 2025, quy mô thị trường của Trung Quốc có thể lên đến 4,2 tỷ USD.

Thị trường tín dụng tiêu dùng của Trung Quốc có sự tham gia của các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép và các nền tảng trực tuyến. Các ngân hàng thương mại nhỏ, chủ yếu thông qua thẻ tín dụng và các khoản tín dụng tiêu dùng, vẫn chiếm thị phần lớn do ưu thế về lượng khách hàng và mạng lưới chi nhánh rộng khắp.

Thị trường tài chính tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu bùng nổ từ năm 2014

Thị trường tài chính tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu bùng nổ từ năm 2014

Các công ty tài chính tiêu dùng tại Trung Quốc huy động vốn từ cổ đông, vay trên thị trường liên ngân hàng và phát hành trái phiếu sau khi được thông qua. Họ cung cấp tín dụng qua hợp tác với chuỗi nhà cung ứng hoặc cho vay trực tiếp, đáp ứng các nhu cầu mua nhà, thiết bị gia dụng, dịch vụ du lịch, cưới hỏi, giáo dục. Trung Quốc đã cấp phép cho gần 30 công ty tài chính tiêu dùng, với các cổ đông lớn phải góp ít nhất 30% tổng vốn và quy mô không được vượt quá 60 tỷ RMB.

Ngoài ra, các công ty trực tuyến như công ty thương mại điện tử, nền tảng trả góp trực tuyến và cho vay vi mô cũng tham gia mạnh mẽ vào thị trường này. Những công ty này sử dụng mô hình quản lý rủi ro hiệu quả, tích hợp quy trình số hóa và tận dụng dữ liệu lớn để cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực này một cách hiệu quả hơn. Họ còn tập trung vào phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng cho hộ gia đình tại nông thôn, giúp cải thiện đời sống và hạn chế tín dụng đen.

Châu Á – Thái Bình Dương: Khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhiều quốc gia khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng như một hình thức tín dụng tiêu dùng phổ biến. Tại Trung Quốc, Chính phủ đã áp dụng các chính sách thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà phát hành thẻ, như chấp thuận cho các hãng thẻ quốc tế thiết lập mạng lưới thanh toán và loại bỏ trần lãi suất đối với thẻ tín dụng.

Tại Malaysia và Indonesia, các nhà quản lý đang nghiên cứu và phát triển nền tảng công nghệ thanh toán cấp quốc gia, chấp nhận rộng rãi tất cả các phương thức thanh toán, bao gồm thẻ tín dụng, ví điện tử và QR code. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển lĩnh vực này trong khu vực.

Những kinh nghiệm phát triển tài các quốc gia này có thể là bài học quý giá cho Việt Nam trong việc thúc đẩy và phát triển tài chính tiêu dùng bền vững và hiệu quả.

Lời kết

Phát triển tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. Bằng cách học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển và thực hiện các kiến nghị phù hợp, Việt Nam có thể xây dựng một thị trường an toàn, hiệu quả và bền vững trong tương lai. hãy cùng theo dõi thông tin về thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam trong phần 2 của bài viết nhé!

About The Author

You may also like

Leave a Comment